Đề Tài: Khai Thị

Chọn Người Mà Giúp

Dương Hổ làm tướng nước Vệ, bị tội nên phải trốn qua nước Tấn và yết kiến đại thần là Triệu Giản Tử mà than:

“Từ nay về sau, tôi nhất quyết không bao giờ giúp ai khác cả.”

Triệu Giản Tử hỏi tại sao.

Dương Hổ đáp: “Lúc trước tôi giúp đỡ hơn nửa quan triều đình, hơn nửa quan hầu cận và hơn nửa quan biên thuỳ. Thế mà quan hầu cận nhà vua lại đi dèm pha tôi, quan triều đình thì dùng luật trị tội tôi. Quan biên thùy thì dùng binh khí ép bức tôi. Vì thế không nên giúp cho ai cả từ nay về sau.”

Khai Thị | Phản hồi

Học Sách

Vua Hoàn Công (vua rất giỏi nước Tề đời Xuân Thu) đang đọc sách. Người thợ mộc đang đẽo bánh xe, bỏ làm lên hỏi: “Bệ Hạ đang học những câu gì thế?”
Hoàn Công đáp: “Lời dạy của thánh nhân.”
“Họ còn sống không?”
“Đã chết rồi.”
“Vậy thì Bệ Hạ đang học những đồ thừa bỏ mà thôi.”
“Ngươi thiệt to gan! Sao dám nói như thế? Mau giải thích bằng không ta chém đầu đó.”
“Thần chỉ nghiệm từ việc đẽo bánh xe mà thôi. Đẽo bánh thì phải vừa vặn: không thể nhỏ hoặc quá to. Mỗi lần thì phải tự lượng lấy chứ không có phép gì nhất định cả. Cũng không thể giảng nghĩa tường tận được. Cho nên tôi không thể dạy cho con mà chúng nó cũng không thể học được. Nên nay hơn bảy mươi tuổi mà vẫn còn đẽo bánh xe vậy.

Khai Thị | Phản hồi

Khinh Người

Tử Kích là một bậc quyền quí, gặp Điền Tử Phương là một vị hàn sĩ, nên liền xuống xe chào. Tử Phương làm lơ không đáp lại.

Tử Kích giận, hỏi:

“Kẻ phú quí khinh người còn được, người bần tiện có thể khinh người được chăng?”

Tử Phương đáp: “Kẻ bần tiện mới hay khinh người. Người phú quí sao dám khinh người được? Vua mà khinh người thì mất nước, quan mà khinh người thì mất chức. Kẻ có học thức, nghèo bần cùng, đi đến đâu thì vua quan không trọng lời nói, không theo việc làm thì sợ gì mà không khinh người nữa?”

Khai Thị | Phản hồi

Bỏ Quên Con Ruột Mình

Một vị quan cúng tế tổ tiên như theo pháp nhà Nho. Nhưng trong lúc cúng lễ thì bỏ quên con mình nên đứa con không được tham gia.

Đức Khổng Tử nghe thế thì nói rằng, “Nội trong hai năm người ấy ắt mất chức quan.”

Năm sau, hắn ta quả thật bị cách chức.

Đệ tử của Không Tử hỏi thầy sao mà biết trước được. Ngài đáp, “Cúng tế tổ tiên là để tỏ lòng biết ơn của con cháu. Vậy mà việc cúng tế lại bỏ quên con ruột của mình thì chắc phải quên biết bao nhiêu chuyện quan trọng khác.”

Khai Thị | Phản hồi

Dạy Con Về Nghĩa

Sống thì phải biết giữ “nghĩa”. Nghĩa là có đạo đức.

Cổ nhân dạy: “Con người sống trong một ngày mà nghe được một câu phải, thấy một điều phải, làm một điều phải, ngày ấy mới không vô ích.”

Làm sao dạy con cái điều nghĩa? Nếu nhắm mắt hy vọng rằng thầy giáo sẽ dạy chúng nó thì thật là thất sách vì việc thăng chức của họ hoàn toàn không dựa trên dạy cái nghĩa.

Tốt nhất là giúp chúng nó nghe, thấy, và khuyến khích làm điều phải bằng cách tự mình làm kiểu mẫu. Như thế là giúp chúng nó có một tương lai tốt đẹp.

Khai Thị | Phản hồi

Không Gì Hay Hơn …

Cổ nhân nói:

“Không gì giỏi bằng hay làm. Vì thế con nít thì phải làm bài tập ở nhà. Người lớn thì phải cốt tâm học tập thì mới thành tài.

Không gì yên hơn là nhẫn. Cuộc đời này, muốn làm thì bị cản trở, muốn yên thân thì bị khiêu khích. Thật là chạy trời không khỏi nắng. Cho nên phải biết tập kiên nhẫn vì sau cơn mưa trời lại sáng.

Không gì sướng thân bằng cái đức. Nhân nào quả nấy. Làm tốt thì sau này sẽ sung sướng, vinh quang.

Khai Thị | Phản hồi

Rửa Tai

Vua Nghiêu mời Hứa Do ra, xin nhường giang sơn của mình. Hứa Do từ chối, bỏ đi ẩn tại núi Trung Nhạc.

Sau này vua Nghiêu lùng ra được, lại đến thỉnh nữa. Hứa Do không muốn nghe, nên bỏ đi ra bờ sông rửa tai. Lúc ấy Sào Phủ dắt trâu xuống sông, hỏi Hứa Do tại sao rửa tai. Hứa Do thuật lại câu chuyện. Sào Phủ liền gò cổ trâu nói: “Tôi tính cho trâu uống nước. E rằng miệng trâu sẽ bị bẩn đi.” Bèn dắt trâu lên quãng sông trên cho uống nước.

Khai Thị | Phản hồi

Biết dở Sửa Ngay

Mạnh Tử dạy: “Thí dụ như có người ăn trộm một con gà của hàng xóm. Một người khác nói: ‘Làm như thế là không lương thiện.’ Anh ta đáp: ‘Ông nói đúng lắm. Nhưng tôi vẫn chưa bỏ được. Tôi muốn chừa dần dần. Từ nay mỗi tháng tôi chỉ ăn cắp một con gà thôi. Đợi đến sang năm thì tôi sẽ ngừng hẳn.’ Nói như thế có được không?

Phàm biết sai thì phải sửa ngay lập tức , sao lại còn đợi?“

* * * * *

Cái sai không sửa ngay thì cái sai càng ngày càng lớn.

Khai Thị | Phản hồi

Không Sờn Lòng

Họ Hoà tìm được hòn ngọc trong núi nên đem đến dâng vua Sở. Vua sai thợ ngọc coi. Thợ ngọc nói không phải là ngọc, chỉ là đá thôi. Vua giận sai chặt chân trái của họ Hoà.

Vua sau nối ngôi. Họ Hoà lại đem ngọc dâng vua. Vua sai thợ ngọc coi. Thợ cũng nói là đá. Vua giận, sai lính chặt chân còn lại của họ Hoà.

Khai Thị | Phản hồi

Thành Thật

Vợ Tăng Tử sắp đi chợ. Thằng con khóc lóc đòi theo. Bà bảo: “Con ngoan ở nhà. Mẹ về sẽ làm thịt heo cho con ăn.”

Khi vợ về, Tăng Tử bắt đi giết lợn làm thịt.

Vợ bảo: “Tôi chỉ nói đùa với nó mà thôi!”

Tăng Tử nói vợ: “Làm sao lại bảo là nói đùa được? Đừng nghĩ con nít không biết gì cả. Cha mẹ làm gì thì nó thường bắt chước làm theo. Nay mình nói dối với nó thì chẳng phải là dạy nó nói dối sao?”

Khai Thị | Phản hồi