Những Đức Phật thường bị quên lãng
Tất cả chư Phật đều có lòng đại từ đại bi muốn cứu độ chúng sanh nhưng hoặc vì chúng ta thiếu phước duyên không biết đến Phật hoặc là biết rồi mà lại quên lãng đi cho nên không hưởng được sự gia hộ của quí ngài. Đây là một điều rất đáng tiếc. Tôi muốn nói đến Đức Phật Akshobya hay thường được gọi là Phật Dược Sư của Lưu Ly Đông Phương Tịnh Độ.
Khi nói tu Tịnh Độ, người ta thường hiểu đó là niệm hồng danh Phật A Di Đà để được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Nhiều người không nhận ra rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng còn truyền Pháp Tịnh Độ khác nữa – pháp Dược Sư. Tu pháp Dược Sư đó thì quí vị có thể được vãng sinh về Tịnh Độ: Đông Phương Tịnh Độ của Ngài hay Tây Phương Tịnh Độ của A Di Đà (tùy theo tâm nguyện của mình).
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không những là vị thầy tối cao của trời người mà còn là đại từ bi phụ. Ngài đặc biệt lưu tâm giúp chúng sinh trong thời kỳ Tượng pháp và Mạt pháp phước mỏng nghiệp dầy. Cuộc sống của cá nhân cũng như của thế giới ngày một trở nên khắc nghiệt. Tuy chúng ta có nhiều thiện duyên với đức Phật A Di Đà nhưng cho đến khi chúng ta vãng sanh Tịnh Độ, làm thế nào để chúng ta giải quyết các vấn đề đời sống hiện tại của mình, như bệnh tật, thiên tai, cầu một đứa con trai hay một đứa con gái, hay cầu giàu có và sức khỏe, v.v… ?
Đừng lo sợ! Phật Dược Sư ở đây để giúp tiêu trừ bệnh tật, kéo dài cuộc sống, chế ngự thiên tai và tăng phước lành cho chúng ta; đó là bổn nguyện của ngài.
Kể từ khi bắt đầu tu Pháp Dược Sư, chúng tôi đã khá may mắn – nhiều đệ tử của chúng tôi nhận được cảm ứng khá nhanh chóng.
Tu luyện để giúp người thân
Tôi có một đệ tử, tên là W, ông và vợ của ông là chuyên gia trí thức trong nhiều thập niên.
Là một kỹ sư thiết kế chính cho một công ty lớn có tầm hoạt động quốc tế, ông W phải làm việc rất căng thẳng. Để giữ gìn sức khỏe, ông W đã luyện tập yoga trong nhiều năm.
Cách đây một năm, ông W quyết định tham dự lớp Thiền của chúng tôi, lớp đó bắt đầu vào tháng Hai. Trùng hợp vào lúc chúng tôi bắt đầu giảng Kinh Dược Sư vào buổi chiều.
Ông W đã tiến bộ rất nhanh. Từ trình độ không có định lực, ông đã nhanh chóng đạt đến nhị thiền chỉ trong vòng vài tháng. Sau đó ông quyết định quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới.
Theo thủ tục, ông phải điền vào một mẫu đơn. Khi được hỏi tại sao ông muốn quy y, câu trả lời của ông W không phải là những mục tiêu đại khái như đạt được giác ngộ hoặc để cứu độ thế giới, mà mục tiêu duy nhất của ông trong sự tu luyện này là để khai mở trí huệ mình và từ đó có thể giúp hai người con trai của ông.
Lần thứ hai đến dự khóa tu, ông W bày tỏ quan ngại về cậu con trai lớn của mình, B có ý định gia nhập thủy quân lục chiến vào mùa hè [2008] để tham dự cuộc chiến tại Iraq. Ông W và vợ ông đã không biết làm thế nào để can ngăn B đừng đi.
Đến khi biết về Pháp Dược Sư, ông W vui mừng nhận ra rằng Pháp nầy có thể tiêu diệt các thảm họa chiến tranh. Do đó, ông ta quyết định thỉnh một bài vị Dược Sư cho B. Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, ông W đến gặp tôi và nói rằng B đã chắc chắn quyết định đi Iraq: ” Nó [B] cương quyết (gia nhập quân đội). Con không nghĩ nó [B] làm vậy để trêu tức chúng con [ông W và vợ]. Thầy làm ơn nói chuyện khuyên nó?”
Tôi đồng ý thử, mặc dù tôi thực sự không mong là sẽ có được một kết quả bởi vì dường như đã quá muộn. Chàng thanh niên này rất thông minh lại có tánh cương quyết nên khó thể thuyết phục anh ta thay đổi quyết định mà anh đã toan tính trong mấy năm trời.
Cuộc đối thoại
Một tuần sau đó, B đến, như đã sắp xếp, vào một buổi chiều thứ Sáu. Sau đây là đoạn tường thuật ngắn về cuộc gặp gỡ của chúng tôi.
B nhấn chuông và xuất hiện với một tâm trạng thoải mái.
Tôi:
Rất vui gặp lại con.
B:
Cảm ơn thầy đã cho con gặp.
Tôi:
Ba năm trước, khi thầy gặp con [khi đó con đang học lớp 12], tóc của con ngắn hơn.
B:
Lâu như vậy sao?
Tôi:
Thầy có thể giúp gì cho con đây?
B:
Cha mẹ con khuyên con cần nói chuyện với thầy, nhưng thật ra đó không phải chỉ là ý kiến của họ thôi mà con cũng muốn gặp thầy.
Cha mẹ B đã nhờ em trai tôi, một trong những giáo sư của B ở trường đại học, thử khuyên nó rồi.
Tôi:
Ồ?
B:
Đây không phải chỉ là ý kiến của họ mà thôi.
Tôi:
Tại sao?
B:
Con nhận thấy rằng ngay khi bố mẹ con bắt đầu nghiên cứu Phật Pháp với Thầy, họ đã thay đổi rất nhanh.
Tôi:
Trở nên tốt hơn, thầy hy vọng?
B:
Chúng con hòa thuận với nhau hơn nhiều. Thầy đừng hiểu lầm ý con. Con rất kính trọng cha mẹ con. Con ngưỡng mộ sự thành công của họ về chuyên môn cũng như về tài chính. Nhưng con nghĩ nhờ Phật phát mà họ hạnh phúc hơn.
Tôi:
Họ đang lo lắng cho con, nhất là là về dự định tương lai của con. Hiện giờ con đang học đại học phải không?
B:
Vâng, nhưng con đã bỏ học rồi. Thật ra chỉ vì con không kính nể các vị giáo sư của mình được.
Tôi:
Thầy không đổ lỗi con. Ngày nay, thật khó mà tìm được một giáo sư Đại học tốt, vừa có cả khả năng trí tuệ và vừa có cả định lực. [B đã đạt Sơ thiền trước rồi - cả hai cha mẹ bắt đầu ở số không: họ không có đủ sức mạnh tinh thần để tạo ra một ấn tượng tốt đẹp ở B, một người có ý chí mạnh mẽ, cương quyết].
B:
Con không muốn hòa đồng. Con chỉ thấy mình không thích hợp với lối sống như thế.
Tôi:
Nhưng con vẫn còn trẻ. Đôi khi người ta phải trả một cái giá trước khi cơ hội đến với họ. Con sẽ nghĩ khác khi con có một gia đình phải lo lắng và người thân phải chăm sóc.
B:
Có lẽ là như vậy, con chắc chắn rằng có nhiều cách để đóng góp mà không ảnh hưởng đến bản thân mình.
Tôi:
Thầy hy vọng rằng con sẽ tìm được hướng đi cho mình.
B:
Con cũng vậy. Con vẫn còn có thì giờ.
Tôi:
Thầy nghe con sắp đi Iraq chiến đấu. Đó có phải là phục vụ cho tổ quốc không?
B:
Nó khác nhau mà.
Tôi:
Khác thế nào vậy?
B:
Đó là điều phải làm trước khi con có thể làm bất cứ gì khác.
Tôi:
Con có thể giải thích cho thầy lý do của con?
B:
Con đã suy nghĩ nhiều và kỹ luỡng về vấn đề này. Đó là để chứng minh rằng con có thể thực hiện được điều đó. Nếu con không thể vượt qua sự thử thách này, cuộc sống của con không có ý nghĩa gì cả.
Tôi:
Thử thách của sự trưởng thành? Để xem con có thể vượt qua được sự nguy hiểm và khó khăn?
B:
Vâng.
Tôi:
Đó thực sự là một thử thách của lòng dũng cảm.
B:
Chỉ là một việc mà con phải làm thôi.
Tôi:
Vì vậy, con sẽ giết chết nhiều trẻ em.
B:
Không nhất thiết như vậy. Con hy vọng được gia nhập vào đội tình báo. Tình báo thường không tham gia vào các trận đánh ở khu vực đông dân cư.
Tôi:
Vậy thì, con sẽ giết chết rất nhiều người cha của trẻ em.
B:
Điều đó có thể xảy ra. Vì đó là chiến tranh.
Tôi:
Đó là thử thách. Con khá dũng cảm. Thầy phục điều đó.
B:
Cảm ơn thầy.
Tôi:
Con có nghĩ đến mặt trái của nó không?
B:
Thầy nói vậy có nghĩa là gì?
Tôi:
Là con có thể bị thương.
B:
Sự việc đó có thể xảy ra.
Tôi:
Có lẽ con đã chuẩn bị tinh thần để trả giá cho sự việc đó, nhưng còn gia đình con thì sao? Giả sử con trở về, bị thương nặng, chúng ta hãy giả sử rằng con trở thành vô dụng. Thầy chắc chắn rằng cha mẹ sẽ đón nhận con trở về và sẽ chăm sóc con cho đến khi họ chết. Con có biết họ yêu thương con đến chừng nào không? Hãy giả sử rằng, khi trở về, con bị mất một phần khuôn mặt. Con sẽ nhận thấy cha mẹ và em con rất sung sướng xúc động vì con vẫn còn sống và đang ở nhà. Họ sẽ yêu thương chăm sóc con, người anh hùng của họ đã giúp gia đình trả nợ cho đất nước vĩ đại này.
B:
Dạ, có lẽ sẽ là khá khó khăn cho họ.
Tôi:
Nhưng họ sẽ là những người cuối cùng cho con biết sự khó khăn và đau khổ của họ. Con có biết, em trai con, người luôn luôn xem con là thần tượng của mình. Nó sẽ rất vui mừng vì có nhiều thì giờ với con hơn. Nhưng khi trở về phòng riêng, trái tim nó có lẽ vỡ tan ra triệu mãnh. Có lẽ nó sẽ khóc một mình và nói rằng: “Lạy Chúa, Ngài đã làm gì người anh yêu quý của con? Anh ấy từng rất đẹp trai và đầy sức sống! “
B:
[Im lặng suy tư]
Tôi:
Con có quan tâm đến cái giá mà gia đình con phải trả, nếu con bị thương nặng trở về không? Con có sẵn sàng đem đến cho gia đình những thử thách như vậy không?
B:
Con nghĩ họ sẽ rất đau khổ.
Tôi:
Hết cả phần còn lại của cuộc đời của họ.
B:
Đó là một điều khủng khiếp
Tôi:
Chúng ta đều phải đối mặt với thử thách của mình. Con có nghĩ đến các thử thách khác không?
B:
Giống như những thử thách gì?
Tôi:
Có loại thử thách khác, cũng khá gay go nhưng dù con thất bại, con không trở thành một gánh nặng cho gia đình.
B:
Chẳng hạn như …?
Tôi:
Có rất nhiều thử thách trong quá trình tiến đến sự trưởng thành. Trên thực tế, có nhiều thử thách hay hơn, những thử thách có tính cách xây dựng thay vì đả phá. Mình không cần phải phá hủy hoặc gây đau đớn cho người khác để chứng tỏ sự cứng rắn và/hoặc ưu thế của mình.
B:
Con chắc vậy.
Tôi:
Thầy có thể nghĩ ra rất nhiều thử thách theo loại ôn hoà này . Khi mình suy nghĩ với quan điểm như vậy, thì chắc chắn mình sẽ khám phá ra rất nhiều. Thầy có thể cho con thấy một cái ngay bây giờ mà con sẽ không tin đó cũng là một thứ thử thách.
B:
Dạ. Thầy vui lòng cho con biết.
(Tôi nâng vạt áo cà sa lên để lộ đôi chân của mình đang khóa lại trong thế ngồi kiết già – đã khoảng chừng hai giờ đồng hồ.)
Tôi:
Đây là một hình thức tu luyện cực kỳ khó khăn mà hầu hết mọi người đều thất bại. Nó có thể đau nhiều lắm mà không ai biết.
B:
Con phải thừa nhận rằng con đã quyết định rồi trước khi đến đây, nhưng bây giờ thì con không chắc lắm.
Sau đó B từ giã tôi. Tôi nói với cậu ta rằng cậu đã để lại trong tôi một dấu ấn sâu đậm, cậu ta khôn ngoan và nhạy bén, và cậu sẽ không sao cả.
Cho đến ngày hôm nay, tôi chưa bao giờ nói với ai về cuộc gặp gỡ này. Khi mẹ cậu bé hỏi tôi về cuộc gặp gỡ của chúng tôi, tôi nói với bà ấy rằng tôi không muốn nói bất cứ điều gì cho đến khi B quyết định, bởi vì tôi không muốn mình ảnh hưởng đến quyết định của cậu ta về bất cứ phương diện nào.
Vài tuần sau đó, B. về thăm cha mẹ và nói với gia đình rằng cậu ta đã từ bỏ kế hoạch đi Iraq rồi. Cậu xin cha mình giúp đỡ tài chính để được huấn luyện thành một chuyên viên làm việc ở phòng cấp cứu. Cha của cậu trả lời ngay lập tức là: “Chúng tôi đồng ý!”. Vì vậy, thay vì chiến đấu tại chiến trường Iraq, B làm nhiệm vụ chiến đấu với tử thần tại phòng cấp cứu. Trong một thời gian ngắn, B đã thay đổi được quan niệm tư tưởng: thay vì liều mạng để chứng tỏ lòng dũng cảm, cậu ta kiên nhẫn và tận lực cứu người trong giai đoạn thập tử nhất sanh. Thật là một nhân vật đặc biệt!
Bài học từ câu chuyện này: Tôi rất ngạc nhiên đối với sự tiếp thu của B bởi vì tôi biết có nhiều người thông minh và khôn khéo hơn đã cố gắng thuyết phục B. Sau khi đồng ý gặp B, thành thật mà nói, tôi không có ý kiến sẽ mong gì hoặc sẽ nói gì. Rõ ràng, chúng tôi đã có thể tạm hoãn (killing habit energies) thói quen giết người của B [từ những đời trước]. Ai biết được những gì khác mà người bạn trẻ thông minh và cứng rắn này sẽ nghĩ đến để tự thử thách chính mình! Tôi thật lòng hy vọng rằng cậu ta sẽ xử dụng cá nhân mình trong những lãnh vực có mục đích xây dựng hơn là đả phá.
Nếu không nhờ sự giúp đỡ của Phật Dược Sư, vị tu sĩ ngu ngốc này đã không giúp được thêm gì nhiều. Cá nhân tôi, tôi đã biết chấp nhận thực tế: người ta đến với chúng tôi sau khi bị tuyệt vọng, đã thử qua những pháp hay ho khác của thế gian mà không được như ý́.
Tôi có thể nói cho quí vị biết bí mật của tôi: phép lạ đến từ các vị Phật và Bồ Tát, nhưng quí Ngài quá khiêm tốn không nhìn nhận đó là công lao của mình.
Trân trọng,
TVH
Kính bạch Thầy,
Lần đầu tiên khi con đọc bài này, con cảm thấy rất quen thuộc. Con đọc thêm mấy lần nữa, để mong tìm ra có chỗ nào đó trong văn phong ( cách hành văn) và phong cách của vị thầy (nhân vật “tôi”) có khác với thầy Bổn Sư của con hay không, nhưng con không thể tìm ra!
Con hiểu thêm rằng, nếu mình muốn dạy dỗ ai, hay muốn người khác nghe lời của mình, thì mình phải có định lực.
Con cảm ơn Thầy đã nhắc nhở về đức Phật Dược Sư, về bổn nguyện của Ngài và những lợi ích của pháp Dược Sư mà hầu như phần đông các phật tử Việt Nam thường ít nhớ đến.
Thân Nguyệt Quỳnh