Ngày xưa ở Ấn Độ, một vị vua nọ có bốn người con trai.
Một ngày kia, họ nói với người đánh xe ngựa, “Chúng tôi muốn xem một cây Judas. Ông cho chúng tôi đi coi nhé!”
“Được” Người đánh xe ngựa trả lời.
Người đánh xe lần lượt đưa họ đi. Bằng chiếc xe ngựa, ông đưa vị hoàng tử lớn nhất vào rừng lúc các chồi non vừa mới mọc ra từ thân cây Judas. Hoàng tử thứ hai, ông cho xem cây khi cành lá xanh um. Hoàng tử thứ ba được đưa đi khi cây có hoa đang nở rộ. Và hoàng tử thứ tư, được cho thấy khi cây Judas đang mang trái.
Sau đó, bốn anh em tình cờ chuyện trò với nhau và một người hỏi, ” Judas là loại cây gì nhỉ?”
Người anh cả trả lời: “Giống như một gốc cây bị cháy!”
Người thứ hai la lên: “Giống như một cây đa!”
Và, người thứ ba: “Giống như một miếng thịt!”
Người thứ tư nói: “Giống như cây keo!”
Đương nhiên, các hoàng tử cãi nhau và nhất định cho rằng chỉ có mình là đúng thôi. Cuối cùng, họ đến gặp vua cha: “Thưa phụ vương”, họ hỏi: “Cây Judas là loại cây gì vậy, thưa cha?”
“Các con thấy thế nào?” Vua cha hỏi.
Mỗi người đưa ra câu trả lời riêng của mình.
Vua cha nói: “Tất cả các con đã nhìn thấy cây Judas. Nhưng khi người đánh xe ngựa đưa con đi xem, các con đã không hỏi anh ta: ‘Cái cây này trông giống như thế nào ở thời điểm này hay ở thời điểm khác?’ Các con đã không thấy hết những biến đổi của cây, đó là lý do sai lầm của các con.”
Bài học từ câu chuyện này là: người thông minh tìm kiếm dữ kiện, người khôn ngoan tìm kiếm trí huệ.
Hơn nữa, người đời thường có khuynh hướng chỉ tin vào dữ kiện họ thu thập được và từ chối chấp nhận dữ kiện của người khác. Họ không hiểu rằng vấn đề không phải là đúng hay không đúng, mà là học hỏi để cùng nhau đúng, có nghĩa là học cách chấp nhận sự hiểu biết và trí huệ của nhau.
Chúng ta có thể khá hơn rất nhiều bằng cách tập không nên quá tự tin ở chính mình mà thay vào đó, hãy tìm kiếm và học hỏi ở những người khôn ngoan có tầm nhìn rộng hơn và hiểu biết sâu sắc hơn.