Chép Kinh Pháp Hoa

Vấn

Chào Thầy:

Con đã đọc chú thích Kinh Pháp Hoa của Hòa Thượng Tuyên Hóa và cũng tụng Kinh đó nhiều lần rồi. Kinh đề cập và cũng như ngài Tuyên Hóa nhấn mạnh rằng biên chép Kinh hoặc khiến người làm thì sẽ đắc vô lượng công đức. Càng thành tâm thì càng nhiều công đức. Cho nên con đã biên chép Kinh bằng tay và đã được rất nhiều lợi ích. Con hiểu Kinh hơn, tin tưởng Kinh hơn, và cảm thấy đức Phật thật có đại trí huệ khi khuyên chúng ta sao chép Kinh. Con muốn mướn người biên chép Kinh. Thầy nghĩ con nên thực hành ra sao?

Cám ơn thầy,

QN

Đáp

Cám ơn QN đã chia sẻ kinh nghiệm về việc chép Kinh Pháp Hoa.

Đạo hữu được cảm ứng có thể là vì:
1. Đầu tư thì giờ chép Kinh là việc làm thanh tịnh và tối thiện khiến tâm thần chúng ta biến đổi và tạm thời giải thoát khỏi những ưu tư phiền não thế tục.
2. Khi chú tâm biên chép thì tăng trưởng định lực. Thầy nghĩ rằng QN đã thường có nhiều giây phút lâng lâng và thoải mái trong khi biên chép Kinh Pháp Hoa. Đó là thiền lạc đấy!
3. Theo thiển ý, một trong những cảm ứng tuyệt vời là khi QN bắt đầu phát tâm tin lời Phật và thánh tăng dạy thì càng ngày lòng tin càng thâm sâu hơn nữa. Khó mà đi xa và sâu hơn nếu lòng tin chưa đủ.

Theo truyền thống, chúng ta được dạy nên sao chép kinh điển vì đời xưa thiếu phương tiện ấn tống. Trong thời đại này, đa số thì chuộng cúng dường tịnh tài để ấn tống kinh điển phổ biến lời Phật dạy. Làm như thế thì cũng tạo ra rất nhiều phước báu.

Có rất nhiều thí chủ thích cúng dường để in kinh điển. Những chú thích của Hòa Thượng Tuyên Hóa thật sâu sắc nên cũng có rất nhiều người phát tâm ấn tống sách của ngài.

Khi đức Phật còn tại thế, một vị hộ pháp hỏi ngài: con muốn cúng dường Pháp bảo thì nên làm gì? Như Lai đáp nên cúng dường cho A Nan vì ngài là kho tàng của Kinh tạng. Sau khi A Nan nhận cúng dường của vị hộ pháp thì đem đến cúng dường cho Xá lợi Phất vì ngài thông đạt giáo lý và đăng trưởng thuyền thọ sư. Xá lợi Phất lại đem đến cúng dường đức Phật vì biết rằng không ai thông đạt hơn đức Thế Tôn.

QN cũng nên ủng hộ tăng ni giảng kinh Đại Thừa để nhiều người thông đạt Chân lý hơn. Kinh điển Đại Thừa không phải ở trên giấy mực. Thật ra, kinh điển trụ tại tâm chúng ta. Thầy tin rằng nếu thế hệ tăng ni trẻ hiện nay cũng như các đệ tử của thầy có thể giảng kinh điển Đại Thừa thì Đại Thừa còn tồn tại thêm một thế hệ nữa.

Hiện nay đa số người xuất gia lo xây chùa thay vì xây dựng sự hiểu biết về Phật pháp cho đệ tử. Thay vì cúng dường xây cất, thầy mong rằng Phật tử cúng dường cho những pháp sư giảng kinh điển Đại Thừa để họ có phương tiện in ấn, không phải bận tâm về tài chánh. Như thế thì lợi ích sâu xa và vĩnh cửu hơn.

Bàn về sao chép kinh điển, đó là một loại dụng công. QN cũng có thể khuyên người khác sao chép kinh điển nếu họ có duyên. Những ai có tín tâm thì cũng sẽ hưởng đại lợi và đắc hỷ lạc.

Phản Hồi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Phần được đánh dấu là bắt buộc *

*

Bạn có thể sử dụng các HTML thẻ và thuộc tính: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Bộ gõ AVIM-Reloaded