Có người hỏi Thiền sư Đạo Nguyên, vị sáng lập ra phái thiền Soto của Nhật Bổn: “Chúng ta nên trả công ơn cha mẹ không?”
Thiền sư đáp:
“Đương nhiên là nên báo hiếu và nghe lời cha mẹ. Tuy nhiên, tại gia và xuất gia có khác.
Tại gia có thể báo hiếu cha mẹ theo kinh Báo Hiếu khi cha mẹ còn tại thế hoặc đã qua đời. Người thế gian, ai ai cũng biết điều này.
Nhưng vì người xuất gia từ bỏ gia đình và gia nhập cuộc sống Vô Tác (無作), khi bàn đến trả công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, không thể chỉ bàn về một người mà thôi. Tu sĩ nên có lòng biết ơn thâm sâu đối với tất cả hàm thức và coi họ như bậc cha mẹ. Như thế mới có thể trở về căn tánh thiện lương vì xét cho cùng thì trong vô lượng kiếp chúng ta mang nợ rất nhiều người để có sự sống còn. Người tu sĩ nếu chỉ để hết tâm trí lo cho cha mẹ mình trong kiếp này thôi thì sẽ đi ngược lại con đường Vô Tác.
Người xuất gia nếu mỗi ngày đều tập trung tu đạo một cách liên tục không bị thoái bộ thì có thể coi là báo hiếu chân thật. Ngược lại, người tại gia báo hiếu cho cha mẹ hiện tiền bằng cách cung dưỡng khi còn sống, lo tang ma hậu sự, cử hành lễ 49-ngày, cúng tế giỗ kỵ; tuy rất tốt nhưng chỉ là phạm vi hạn hẹp mà thôi.
Người đắp y vá nên biết tầm sâu của công ơn cha mẹ…”
******
Bậc A La Hán không nên hiểu chữ Vô Tác theo nghĩa hẹp, nên học theo truyền thống thiền tông Nhật Bổn, nên học cách cứu độ chúng sinh mà không thấy mình cứu bất cứ một ai: đó là tinh thần Vô Tác của Đại Thừa.
Đối với người xuất gia, họ phát tâm ly gia cắt ái để chóng phát triển trí lực hầu có thể trả hiếu cho TẤT CẢ thay vì chỉ thiên vị cha mẹ của chính mình. Đó mới là đặc tính vô ngã.
Cuối cùng, nhiều người tại gia thích phê phán người khác là bất hiếu trong lúc chính mình lại không theo nổi tiêu chuẩn báo hiếu của người tại gia của kinh Báo Hiếu. Tốt hết thì không nên trách người bất hiếu nếu ngay chính mình chưa tròn chữ hiếu.