Khuất Nguyên làm quan đại phu nhưng bị kẻ dèm pha đến độ bị mất chức.
Mặt mũi tiều tụy, hình dung thiểu não, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát ở trên bờ hồ.
Một ông lão đánh cá trông thấy, hỏi rằng: “Ông có phải quan đại phu không? Sao đến nổi khổ như vậy?”
Khuất Nguyên đáp: “Cả đời đục, một mình ta trong. Mọi người say cả, một mình ta tỉnh. Cho nên ta bị sa thải.”
Ông lão đánh cá: “Thánh nhân không câu nệ việc gì cả, lại biết tùy thời.
Cả đời đục thì sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể. Thiên hạ say, sao ông không ăn cả men, húp thêm rượu cho say một thể? Việc gì đến nổi phải tư lự và để bị đuổi?”
Khuất Nguyên: “Tôi có nghe mới tắm thì nên thay áo. Làm sao chịu đem thân trong sạch mà để vật dơ bẩn dính vào mình được? Chẳng thà nhảy xuống sông vuì xác trong bụng cá còn hơn.”
Lão đánh cá tủm tỉm cười, quay bơi chèo đi, rồi hát:
“Sông Thương nước chảy trong veo,
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.
Sông Thương nước đục chảy ra,
Thì ta lội xuống để mà rửa chân.”
* * * * *
Khuất Nguyên tận lực giữ thân tâm cho trong sạch, thà vuì xác vào bụng cá chứ không để bám buị trần. Đó là hành động của đại trượng phu. Thật là người liêm sĩ, ai cũng ngậm ngùi thương nhớ và thán phục.
Ông lão đánh cá tượng trưng cho quan điểm của bậc thánh hiền, đã thoát được tâm đối đãi, nên có thể dùng phương tiện dấn thân vào thế tục để tùy duyên giáo hóa người.
Ai chưa đắc Đạo thì nên theo gương Khuất Nguyên mà sống thì không uổng một cuộc đời.