Khổng Tử dạy rằng con người nên có năm đức tính: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín. Chúng ta nên xét lại năm đức này và đối chiếu với giáo lý nhà Phật.
Đại khái:
1. Nhân: chủ ở chỗ thanh tĩnh, ung dung tự tại, không cạnh tranh, bao dung và đối đãi với người một cách bình đẳng. Đây là tinh thần của Bồ Tát trong Đại Thừa: bên trong thì tâm thanh tịnh, bên ngoài thì bao dung và cứu độ muôn loài. Muốn như thế thì cần phải phát triển định lực, tâm không phân biệt và lòng từ bi.
2. Nghĩa: luôn luôn thích ứng với phép tắc thiên nhiên hoặc công lý, đó là đạo đức thường còn không bao giờ biến đổi, bản chất không biến chất và cứng cỏi không sờn. Đạo đức của người xưa trọng sự chung thủy, có thể vì sự thủy chung mà dám hy sinh tánh mạng. Người Phật tử chân chánh tôn trọng hiếu đạo, luôn biết ghi ơn và báo hiếu.
3. Lễ: gồm tất cả những gì soi sáng khuôn phép, tạo nên sự tôn trọng nhằm duy trì trật tự giửa người trên và kẻ dưới hay giửa những người ngang hàng nhằm phát huy chân lý tự nhiên trong trời đất. Người thiếu lễ nghi thì không nên thân cận, kết bạn, giao du để tránh sự hối hận về sau. Phật giáo gọi lễ là giới luật. Người chân thật trì giới luôn luôn khiêm tốn và tôn trọng kẻ khác.
4. Trí: Không điều gì mà không thấu triệt như nước không đâu là không thông qua. Như vậy thì phải học hỏi và nghiên cứu không ngừng. Từ trẻ em cho đến bô lão cũng cần học hỏi để phát triển trí huệ chân chính. Trong nhà Phật, kẻ tu hành ngày ngày cần phải học hỏi và tu luyện (tu lý và tu sự) mới có thể khai mở trí huệ xuất thế cho đến khi thành Phật đạo, có Nhất Thiết Trí để thông đạt tất cả mọi sự kiện trong tam thế.
5. Tín: Không bao giờ sai chạy như đất theo từng mùa nhất định mà thúc đẩy sự sinh diệt của thảo mộc đúng theo chu trình chuyển hóa tự nhiên của tạo hóa. Cũng vậy đã nói thì phải giữ lời hứa nếu không thì không nên hùn hạp, làm ăn với những người này. Đây là tinh thần của giới “Không vọng ngữ” trong Phật giáo. Những người hay nói dối thì không thể tu hành được.
Nói tóm lại, ngũ đức tượng trưng cho những đức tính từ cổ chí kim của người quân tử, một người xứng đáng và có thể làm gương mẫu cho mọi người. Đó không ngoài hình ảnh lý tưởng của người hành Bồ Tát đạo trong Đại Thừa Phật giáo.