Bị Thấy Chỗ yếu

Đời xưa bên Trung quốc có một thầy tướng số kỳ tài tên là Quí Hàm, đoán được sinh tử tồn vong, họa phúc; biết được việc sẽ xảy ra năm nào, tháng nào, tuần nào, ngày nào như thần.

Vì thế, dân chúng thấy ông ta đều sợ bỏ chạy hết.

Liệt tử đến thăm ông, rất phục và về báo với  thầy là Hồ tử: “Trước đây, con nghĩ rằng đạo của thầy cực thâm, bây giờ mới gặp pháp còn cao thâm hơn nữa.”

Hồ tử nói: “Ta chỉ mới truyền cho anh cái hư văn ở ngoài mà chưa truyền cái chân thực bên trong. Vây mà đã tự cho đắc đạo rồi hả?

Gà mái không có gà trống thì trứng không thể nở được. Anh cũng vậy, chưa có cái chân thực của Đạo mà dám đi tranh đua với đời, cho nên bị người ta dò thấy được yếu điểm. Anh thử dắt người đó lại coi tướng tôi ra sao.”

Hôm sau, Liệt tử dắt thầy tướng đến.

Khi ra về, Quí Hàm nói với Liệt tử: “Thầy anh sắp chết, không sống được tới mươi ngày nữa đâu.”

Liệt tử khóc sướt mướt, bẩm cho thầy biết.

Hồ tử: “Tại lúc nãy, ta hiện ra đất trơ trơ, không có sinh khí. Anh hãy dắt ông ta lại một lần nữa xem sao.”

Thầy tướng đến coi và bảo Liệt tử: “May thay tôi đến lần trước! Nhờ vậy mà thầy anh đã đỡ rồi, có sinh khí lại và thần khí bế tắc đã mở ra rồi.”

Liệt tử báo cáo với thầy và được giải thích: “Tại ta hiện ra như đất cày, đầy rẫy sinh khí. Anh đắt hắn lại một lần nữa đi.”

Hôm sau, thầy tướng đến; ra về thì nói: “Lạ nhĩ! Sắc khí bất định, ta không coi tướng được. Đợi khi nào sắc khí định lại mới coi được.”

Hồ tử giải thích: “Thầy thể hiện như hư không, không có dấu vết, không âm không dương nên hắn đoán không được. Vậy thì đợi hắn coi thử lần sau thế nào.”

Khi Quí Hàm đến coi lại thì hốt hoảng bỏ chạy.

Liệt tử không thèm đuổi theo và nói với thầy: “Hắn chạy mất hút rồi.”

Hồ tử bảo: “Lần này, ta cho hắn thấy cái căn bản của đạo đức. Thầy hư tâm mà theo hắn nên hắn không thấy được. Lúc thì thầy như ngọn cỏ, gió thổi thì rạp xuống, lúc thì như làn sóng bập bềnh mà trôi, cho nên hắn phát sợ.”

Lúc ấy Liệt tử mới hiểu rằng mình chưa học được gì cả. Ông đóng cửa ở nhà nhất tâm tu luyện theo lời thầy dạy.

* * * * *

Phàm phu thường chấp tướng. Nhiều người lại bỏ một đời nghiên cứu ngoại tượng để nhận ra nhược điểm của người.

Người tu hành chỉ phục đạo đức. Cho nên, họ chuyên tâm nhìn sơ khuyết của chính mình thay vì nhìn ra ngoài hoặc tìm tòi chỗ yếu của người.

Phản Hồi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Phần được đánh dấu là bắt buộc *

*

Bạn có thể sử dụng các HTML thẻ và thuộc tính: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Bộ gõ AVIM-Reloaded