Bàng Công là người hiền bên Trung Quốc đời Hán. Tính tình điềm đạm và ít thích đến nơi thành thị. Hai vợ chồng chăm làm ăn và đối đãi nhau như khách.
Một hôm, một vị quan bạn đến thăm thì Bàng Công đang cày ruộng, bỏ công việc lên bờ nói chuyện còn vợ con tiếp tục làm việc dưới đồng.
Quan bạn nói: “Tiên sinh tại sao khổ thân cày quốc như thế? Sao chẳng chịu làm quan kiếm chút lộc mà để lại cho con cháu?”
Bàng công đáp: “Người đời thường lấy cái nguy để lại cho con cháu. Tôi thì lấy cái an để cho chúng nó mà thôi. Cách tuy khác nhưng đều gọi là để cả.”
Quan bạn nghe nói thở dài mà bỏ đi.
*****
Ai chẳng lo để lại cho con cháu.
Tại sao để của lại gọi là nguy?
Có rất nhiều lý do. Đời xưa khi gặp thời loạn thì con cháu đời sau khó giữ được của: quan càng lớn, của càng nhiều thì mối nguy càng lớn. Hơn nữa con cháu biết sẽ được của nên thường sinh tâm ỷ lại, không chịu khó học hỏi và làm lụng nên cũng khó mà giữ của được, vì thế thường thường các đời sau không giỏi như đời trước vì trưởng thành trong môi trường quá đầy đủ.
Tại sao lại gọi là an?
Bằng Công chỉ lo dạy dỗ nghề nghiệp, đạo đức, biết thiểu dục tri túc nên con cháu biết chịu khó học hành, an phận, và thời bình cũng như thời loạn đều vững vàng.
Thầy rất phục sự khiêm tốn và lịch sự của Bàng Công. Quí vị có thấy người có trí huệ tránh so sánh (không có tâm phân biệt) và không chỉ trích hoặc chê bai người khác không?