Văn Quân đất Lỗ Dương muốn đem quân qua chinh phạt nước Trịnh. Mặc Tử墨子 đến can, nói rằng: “Nếu trong đất Lỗ Dương này, tỉnh lớn đánh tỉnh nhỏ, nhà lớn hiếp nhà nhỏ, giết người, lấy của lẫn nhau thì Bệ Hạ nghĩ sao?”
Văn Quân đáp: “Bao nhiều người đất này đền là tôi con của ta cả. Nếu lớn đánh bé, ăn cướp lẫn nhau thì tội nặng lắm: đáng trừng trị.”
Mặc Tử: “Bao nhiêu người trong thiên hạ đều là con trời. Nay nhà vua đem quân đánh Trịnh, làm sao tránh được tội với Trời?”
Văn Quân: “Tại sao tiên sinh lại ngăn ta? Chinh phạt Trịnh là thuận ý Trời. Vua Trịnh giết cha nên Trời phạt ba năm hạn hán mất mùa. Nay ta phải giúp Trời mà diệt Trịnh.”
Mặc Tử: “Vua Trịnh thiếu đạo đức nên Trời đã phạt trong ba năm qua. Như thế là đủ rồi. Nay Bệ Hạ đem quân đánh Trịnh, nói rằng như thế là thuận ý Trời. Có khác gì người cha cầm roi đánh đứa con ngang ngạnh, lại có người cha láng giềng cũng cầm roi quất nó rồi nói rằng, ‘Ta đánh nó là thuận ý cha nó’. Vậy có lý không?”
* * * * *
Ỷ mạnh, cậy tài mà hà hiếp kẻ yếu, viện cớ này nọ để che mắt thiên hạ thì bất chánh. Danh bất chánh thì ngôn bất thuận.
Rắp tâm đè nén người, giấu lòng tham mà ăn cắp của người là phi nghĩa, không bao giờ rửa sạch được ô danh trường kiếp và khó tránh khỏi Trời phạt.