Một đệ tử của thầy thường than phiền rằng thầy hay lợi dụng cô ta và thiếu lòng cảm kích đối với những cống hiến của cô.
Thầy bèn nhắn tin trả lời như sau.
“Thầy xin lỗi vì đã khiến con có cảm tưởng như thế. Nhưng đó chỉ là thế thái nhân tình mà thôi.
Ví dụ, những người xuất gia như chúng tôi thường mở rộng cổng chùa để tiếp đón đủ các hạng người: da trắng hoặc da màu, trẻ hoặc già, nam hoặc nữ, giàu hoặc nghèo, tin đạo Phật hoặc vô tín ngưỡng v.v… Vì thế, cũng có một số người thường xuyên đến lợi dụng chúng tôi.
Âu làm việc nghĩa là như thế.
Cho nên, chúng tôi tập mỗi khi giúp người thì không mong được đền đáp, được biết ơn hoặc ngay cả được một tí cảm kích cũng không mong có. Thật ra, biết bao nhiêu người khác cũng đang bố thí và phục vụ cho cộng đồng một cách rất rộng lượng và vui vẻ.
Chúng tôi biết rằng việc làm của chúng tôi quá nhỏ mọn và không thể nào so sánh được với tính rộng rãi và hào phóng của những người khác, nên chọn sau khi bố thí thì quên ngay cái bố thí nhỏ mọn của mình. Tại sao? Vì những người đang thống khổ thì không đủ sức hoặc lý trí sáng suốt mà phát tâm biết ơn. Còn những ai thường lợi dụng người khác thì lại coi đó chỉ là chuyện thông thường, vì nếu không chụp cơ hội thì người khác sẽ chụp.
Vì thế, con nên học cách sống và chấp nhận rằng con người thường vô ơn. Học trò thầy thường khó chịu về sự vô ơn này, nên thầy thường khuyên họ hãy quên ngay sau khi làm ơn cho người.
Hơn nữa họ cũng nên trở thành vô ơn để giúp những người còn chấp trước vào chuyện thiện mình đã làm, nhanh chóng xả bỏ những chấp trước đó. Đó mới là tinh thần của Đại Thừa: bố thí mà không thấy mình bố thí gì cả, không thấy ai nhận gì cả và không thấy bố thí gì cả.
Cuối cùng, thầy biết rằng con thử thầy vì bản thân con biết thầy biết ơn nhưng ít lộ ra.
Với một lòng chân thành vô ơn,
Thầy”