Nước Tề có kẻ thờ vua, nên được vinh quang, giàu có và sung sướng. Khi vua lâm nạn, ông ta không chịu liều chết cứu vua.
Một hôm gặp người quen trên đường. Người quen kinh ngạc hỏi: “Ấy! Sao bác còn sống? Tôi cứ tưởng là bác chết mất rồi.”
Anh ta đáp: “Phải, tôi còn sống. Tôi thờ vua thì cốt là cầu lợi. Chết theo người thì có lợi gì chứ?”
Người quen nói: “Bác ăn ở như thế thì mặt mũi nào mà nhìn tổ tiên ở chín suối?”
Anh ta cãi: “Vậy bác tin rằng sau khi chết thì có thể thấy tổ tiên được sao?”
* * * * *
Thời xưa, thờ chúa mà không liều chết theo chúa là đại bất nghĩa.
Thời đại này, quan niệm đó thường bị coi là lỗi thời. Chúng ta tin rằng trong bất cứ quan hệ nào thì cũng phải có qua có lại.
Vậy bên nào có lý? Đó là tùy cá nhân mỗi người. Nếu mình tự làm quan tòa phán xét thì anh làm quan là có lý vì bản ngã bao giờ cũng không thích bị thiệt thòi.
Đối với cá nhân thầy, cuộc đời của thầy trước khi xuất gia rất đau khổ vì tính tình rất tham ác và tự cao. May thay ân sư, cố hoà thượng Tuyên Hóa, cho thầy xuất gia và dạy thầy cách tu hành. Nhờ tu hành mà bản tính hoàn toàn thay đổi. Cho nên cuộc sống thầy có được như ngày hôm nay là nhờ ơn ngài Tuyên Hóa. Vì vậy, thầy không nghĩ như vậy là trung thành mà chỉ là sự lựa chọn cống hiến cuộc đời còn lại để tiếp tục việc làm của ân sư hòng mong có thể đáp trả ân huệ của ngài. Đối với thầy, ai đã đến cõi Ta Bà này mà nếu có cơ hội thì nên trả nợ.