Tu Sĩ huấn luyện

Vấn:

Nam Mô A Di Đà Phật !

Kính thưa Thầy,

Mấy ngày trước trong lúc đang viết thư gửi Thầy để bày tỏ tâm trạng cầu thỉnh sự chỉ dạy của con từ nơi Thầy thì đột nhiên bị cúp điện, qua hôm sau thì Con phải lo chuẩn bị cho Lễ Phật Đản và An Cư nên con chưa thể tiếp tục viết tiếp đoạn còn lại. Vì sự chậm trễ ấy nên con mong Thầy thứ lỗi. Tuy rằng, Thầy chưa từng biết mặt con nhưng con mong rằng từ những lời nói chí thành này mà Thầy sẽ thấu tỏ được tấm lòng của con.

Từ trước tới giờ, con vẫn thích đọc sách của HT Tuyên Hóa và HT Tịnh Không; Trong lòng con rất tôn kính hai vị Bồ Tát tái lai này nhưng tiếc mình không đủ duyên lành để được đến 2 đạo tràng này tu học. Năm trước con đã có liên lạc với CTTB, đến nay đã gần 1 năm nhưng cũng không có tín hiệu gì khả quan; Và con cũng có liên lạc với TTHH của HT Tịnh Không nhưng cũng không được gì hết.

Sau Tết con có ra Huế thăm Thương Tọa Giác Quả, chùa Hồng Đức thì TT đã cho con 1 cuốn Kinh Di Giáo của Thầy dịch, và TT nói Thầy gửi về VN để nhờ TT kiểm tra lỗi chính tả…… Lúc đó, con muốn tìm cách liên lạc với Thầy nhưng không biết tìm đâu, nhưng nay gặp được Jasmine, nhờ vậy mà con mới gặp được Thầy.

Con đã xem các Bài giảng của Thầy qua những link do Jasmine gửi, con thấy Thầy trẻ tuổi nhưng thật là phi thường, Thầy có thể làm được những việc mà người khác chẳng thể làm, đó là giảng kinh cho mọi người nghe. Con phục Thầy là ở chỗ đó ! Thời nay, người xuất gia tuy nhiều nhưng nhìn lại thì chẳng mấy người có thể giảng kinh, trong số những người có thể giảng kinh thì chỉ có ít người giảng đúng chánh pháp.

Thưa Thầy, con là kẻ hậu học, căn bản còn chưa vững thì nói chi đến chuyện độ cho người khác. Nhưng khi có duyên gặp được người tham cầu học Phật thì con cũng không thể từ chối được, nên con cầu xin Thầy hướng dẫn con phải làm sao khi muốn đem Đại thừa để gieo duyên với những người Tây Phương, Con thấy họ rất thích Vispassana, nhưng khi con đem mấy bài khai thị của HT Tuyên Hóa trao cho họ, thì dường như rất khó khăn bởi họ tiếp nhận với sự miễn cưỡng và không có tâm mong cầu nơi pháp môn của HT Tuyên Hóa. Họ rất thích sự cởi mở đối với tư tưởng của Thầy Nhất Hạnh nhưng con thấy đi con đường này là xa lìa Chánh Pháp của Như Lai. Nên con mong họ có thể học được pháp môn Tịnh Độ nhưng con chẳng biết phải làm sao ? vì giữa con và họ vẫn còn cách biệt nhiều về ngôn ngữ và văn hóa.

Hiện nay, con đang học thêm Tiếng Anh và giới luật ở chùa Huệ Nghiêm. Con hy vọng sau này có thể đi Thailand, India….etc… để học nhưng hiện giờ con chưa biết phải đi đâu. Con muốn sau này mình có thể giảng kinh giống như Thầy vậy, con không thích đi tụng kinh đám ma hay làm các nghi lễ để sống qua ngày cho hết đời tu. Được như HT Tịnh Không thì còn gì bằng nữa, không trụ trì, không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì trên đời, duy chỉ có mỗi việc giảng kinh là thanh nhàn tự tại.

Thầy có nhiều kinh nghiệm hơn con trong vấn đề tu học, nên con mong Thầy có thể hướng dẫn cho phải như thế nào mới được như vậy, vì hiện nay con cũng chỉ biết tự lo cho mình thôi, mọi việc con đều phải tự lo, hoàn toàn không có ai hướng dẫn cả.

Con tuy chưa từng tiếp xúc với Thầy nhưng Thầy cũng là đệ tử của Phật và cũng là học trò của HT Tuyên Hóa, xem qua mấy băng giảng của Thầy thì con biết Thầy cũng là bậc chân tu, con mong Thầy sẽ là người chỉ dẫn cho con phải làm sao để đạt được ước nguyện của mình.

Con thành kính cảm ân sự chỉ dạy của Thầy.

TVM, Việt Nam


Đáp: 

Xin cám ơn lời tán thán của thầy. Tôi thành thật cảm thấy không xứng đáng một tí nào cả.

Tôi chỉ xin phép vắn tắt trả lời vài khía cạnh mà tôi hiểu được để góp ý kiến với thầy.

Tôi rất vui mừng khi nghe biết có người tu sĩ có hoài bảo phục vụ cho Phật Pháp.

Người thầy chỉ dạy được cái vô minh của mình. Vì thế bổn phận của người xuất gia là phải phá tan cái vô minh của mình, khai huệ rồi mới nên dạy. Người thầy phải giúp học trò mở huệ và đắc giải thoát. Cho nên nguyện vọng của thầy rất đáng khen: chúng ta phải biết giảng kinh.

Tôi giảng kinh vì muốn trả ơn của các ân sư và chư tổ sư. Tôi rất may mắn được nhiều đại thiện tri thức dạy nên chỉ biết một cách duy nhất báo ơn các ngài bằng cách y giáo phụng hành và truyền pháp của các ngài để khỏi bị thất truyền. Tôi thật chẳng có chế ra pháp gì mới lạ cả, chỉ dựa theo lời giảng của bậc thánh nhân mà thôi.

Theo cái nhìn nông cạn của tôi, đời tu hành của thầy thiếu mục tiêu. Đồng ý là đời người tu sĩ rất nhiều lý tưởng, nhưng đa phần người xuất gia quên phứt mục tiêu của việc xuất gia.

Mục tiêu nhỏ đầu tiên của tỳ kheo và tỳ kheo ni là phải liễu sanh tử. Hôm nay, chỉ xin bàn đến vấn đề này thôi, dịp khác sẽ nói về đại sự.

Liễu sinh tử tức là đắc Tứ Quả A La Hán.

Vậy xin hỏi thầy, đi học gì ở Thái Lan, Ấn Độ v.v… có thể giúp thầy đạt được mục tiêu này?

Đây là phản ứng thông thường của thế hệ đời sau này. Quí vị có lý tưởng nhưng thiếu sự hướng dẫn.

Tôi xin mạn phép nói thẳng và tránh lời quanh co vì thầy hỏi ý kiến của tôi.

Thầy có vẻ không coi trọng danh lợi, chùa chiềng. Vậy nên phát tâm cố gắng đắc giải thoát kiếp này để không phụ lòng của ân sư thầy.

Tôi không tin rằng học ra bằng cấp, như đa số tu sĩ thời nay thường làm, sẽ đem đến sự giải thoát. Tại vì sao? Muốn liễu sinh tử thì phải kiếm người biết cách, đã từng làm mà “học nghề”. Tôi chưa gặp một vị giáo sư nào của đại học đã liễu sinh tử cả. Họ chỉ có thể dạy cho quí vị học vấn nhưng không thể dạy cho quí ví các phương pháp khai mở trí huệ. Cho nên tôi chủ trương không cầu bằng cấp mà đầu tư vào khai triển trí huệ Bát Nhã.

Ngược lại, tôi lại quyết tìm cầu thiện tri thức để được hướng dẫn trong việc tu hành. Cổ nhân có câu: “ngọn đèn sáng đánh tan ngàn năm đen tối trong phòng”. Tu mà thiếu sự hướng dẫn cũng như mò đường trong bóng tối. Có thiện tri thức như được thắp đèn soi sáng đường đi.

Cách đây hai năm, có một Sư Cô từ Việt Nam qua viếng nước Mỹ. Cô ta tới chùa chúng tôi chơi vì nghe chúng tôi có tu theo pháp ngài Tuyên Hóa và có thiền tịnh đồng tu. Cô ta rất thích thiền quán (vipassana). Gặp tôi thì thú thật rằng không thích pháp môn niệm Phật. Mỗi lần Cô gặp các thầy tu Tịnh độ thì thường nói: “Thầy niệm Phật con coi”. Gặp tôi thì bỗng nhiên quên không hỏi tôi niệm Phật. Sau này mới thú thật rằng gặp tôi thì thường bị líu lưỡi. Tại sao các thầy bị khiêu chiến và Phật tử không phục? Tại vì công phu chúng ta còn thấp quá. Công phu Sư Cô này kha khá vì rất mê tu vipassana từ lâu. Thầy cô lại có một tí công phu nên phương pháp khá tốt. Sau khi ở chùa chúng tôi vài tháng thì cô ta khám phá phương pháp tu luyện của Cô học bên Việt Nam còn nhiều khuyết điểm. Cho nên cô xin ở lại Mỹ y chỉ tại chùa và mê tu niệm Phật vì có hiệu quả hơn tu quán. Hai năm sau thì trí huệ có mở một tí nên xin quy y để học những bí mật tu luyện của Đại Thừa. Cô ta chuyển từ đeo đuổi tiểu sự (đắc giải thoát) thành xả thân vì đại sự: khai trí huệ Bát Nhã.

Tôi mong thầy cũng được thiện tri thức nhận dạy. Các ngài khó tính lắm. Nếu gặp họ phỏng vấn thì không nên nói rằng nguyện vọng chỉ là “không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì trên đời, duy chỉ có mỗi việc giảng kinh là thanh nhàn tự tại.”

Cuối cùng, thầy chưa hiểu thiền thì tại sao lại đòi dạy thiền? Người thông đạt thiền Đại Thừa không dạy vipassana đâu. Nếu gặp người tu thích tu thiền thì nên khuyên họ tìm thầy hướng dẫn. Người Tây phương có thể tham khảo sách tiếng Anh của HT Tuyên Hóa. Thầy đúng, các sách khác có nhiều lũng cũng vì chưa tu tới nới tới chốn mà đòi dạy người.

Hơn nữa, người có căn cơ tu thiền thì nên dạy thiền thay vì dạy Tịnh Độ.

Xin mạn phép khuyên thầy một câu: phát tâm tu Đại Thừa. Mỗi ngày thầy nên làm để tạo phước tu Đại Thừa. Thầy có thể lạy HT Tuyên Hóa 300 lạy mỗi ngày. Lạy xong quỳ xuống mà thành khẩn cầu xin ngài giúp tìm được thiện tri thức. Càng thành tâm thì càng sớm được cảm ứng. Nhiều người đã được Ngài giúp tìm được thầy.

Chúc thầy nhiều may mắn trong việc tòng Đạo.

Phản Hồi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Phần được đánh dấu là bắt buộc *

*

Bạn có thể sử dụng các HTML thẻ và thuộc tính: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Bộ gõ AVIM-Reloaded